17:00, 16/6/22
Phi tập trung là gì mà luôn được nhắc tới khi đề cập đến blockchain - câu hỏi tôi gặp thường xuyên trong quá trình phổ cập kiến thức blockchain.
Phi tập trung là gì mà luôn được nhắc tới khi đề cập đến blockchain - câu hỏi tôi gặp thường xuyên trong quá trình phổ cập kiến thức blockchain.
Thực ra phi tập trung chỉ là một thuật ngữ mô tả tính chất ngược lại của tập trung, tiếng Anh là decentralize - ngược lại với centralize. Về mặt triết học chúng ta muốn mô tả phi tập trung như một sự đối lập với tập trung. Và tính chất phi tập trung đã góp phần tạo ra giá trị của mạng blockchain.
Dễ hiểu nhất là nói về quyền lực ra quyết định. Quyết định do một người đưa ra gọi là quyết định tập trung. Quyết định do hai người trở lên có thể gọi là quyết định tập thể. Còn quyết định nào đó do một đám đông không rõ số người nhưng khá lớn, ví dụ một nghìn người hay một trăm nghìn người gọi là quyết định phi tập trung.
Tuy nhiên, nói về một quyết định phi tập trung, chúng ta phải lấy ngẫu nhiên đủ lớn số người ra quyết định; đồng thời phải có một phương pháp ra quyết định đảm bảo sự công bằng đối với từng người ra quyết định.
Vậy thế nào là "số đủ lớn" và "công bằng"? Rõ ràng phi tập trung chỉ là một khái niệm có tính tương đối. Hay nói chính xác là không có phi tập trung tuyệt đối.
Mạng blockchain có tính phi tập trung cao nhất hiện nay là bitcoin với hơn 15.000 node hay còn gọi là máy lưu dữ liệu sổ cái. Thực ra con số hơn 15.000 node của mạng bitcoin là vô cùng ít ỏi so với hơn 1,3 triệu máy chủ cung cấp dịch vụ AWS (dịch vụ điện toán đám mây) của Amazon.
Tuy nhiên, tính phi tập trung còn thể hiện ở sự phân tán về sở hữu node. Bitcoin được đánh giá là phi tập trung bởi các node do rất nhiều người sở hữu (mỗi node do một người/ nhóm người sở hữu) trong khi toàn bộ node đều thuộc quyền sở hữu, kiểm soát tuyệt đối của Amazon, hay nói cách khác là một vài ông chủ của Amazon. Do vậy, AWS không được coi là phi tập trung.
Câu hỏi tiếp theo là tại sao với 15.000 node đó, các quyết định lại không bị điều khiển bởi một ai đứng sau? Thực tế cho thấy mỗi người đều có thể dễ dàng tham gia vào mạng lưới bitcoin. Tuy nhiên khi bất kỳ ai đó muốn điều khiển cái gì tại đó bằng một quyết định có tính tuyệt đối, áp đặt ngược lại đám đông trong mạng lưới bitcoin, người đó sẽ tốn một số tiền cực kỳ lớn trong khi lợi ích kinh tế mang lại chưa chắc đã rõ. Số tiền đó không chỉ lớn, mà còn tăng theo thời gian.
Tính chất này của bitcoin khiến không một ai với tư duy bình thường của một nhà đầu tư, lại đánh cược để thao túng mạng lưới này.
Thiết kế để một đám đông hành động theo một lợi ích nào đó rồi tập hợp các quyết định trong mạng lưới blockchain được gọi là lý thuyết đồng thuận (consensus). Từ lý thuyết đồng thuận này, mạng lưới thiết lập vô vàn thuật toán, các nhà lập trình thiết kế làm sao các thuật toán đó chạy đơn giản để tương tác lấy các quyết định của những người là chủ sở hữu node, đảm bảo được tính đúng đắn của quyết định, không bị chi phối bởi một thế lực nào. Đó chính là thuộc tính phi tập trung của mạng lưới blockchain.
Việc tấn công nhằm chiếm hữu quyền điều khiển quá trình ra quyết định có thể giúp mạng lưới đó phát triển, phân tách, hoặc đổ vỡ. Đứng đằng sau mạng lưới, ở mỗi node đều là sự sở hữu tuyệt đối của con người. Mỗi người với lợi ích (thường là lợi ích kinh tế) của chính mình sẽ có quyết định ủng hộ hay chống lại tính phi tập trung đó. Sự tồn tại đủ lâu theo thời gian, bằng sự nâng cấp phần mềm của một mạng lưới, hay thay đổi phần cứng, giúp giá trị kinh tế của mạng lưới tăng trong dài hạn. Và quan trọng hơn cả, theo thời gian, tính phi tập trung của một mạng lưới ngày càng được đảm bảo, nếu mạng lưới vẫn còn tồn tại.
Lịch sử phát triển của Internet cũng từng có những hoài nghi và giằng co như vậy.
Từ những ngày đầu, Internet cũng bị coi là kênh thông tin phi tập trung so với kênh truyền thông tập trung, một chiều là truyền hình, phát thanh, báo chí... Lúc đó, giá trị của các công ty kinh doanh trên Internet rất thấp so với các đài truyền hình, phát thanh, tờ báo, rạp phim... Tính chất phi tập trung của Internet đã cạnh tranh mạnh mẽ với tính tập trung của những công ty truyền thông tập trung, tạo nên một mạng lưới giá trị tăng dần theo thời gian. Các đế chế hàng nghìn tỷ USD như Facebook (và giờ là Meta), Netflix, Google... đã được hình thành theo cách đó.
Cách tiếp cận giá trị từ một mạng lưới phi tập trung đó liệu có làm nên một nền kinh tế mới hay không, là câu hỏi thách thức cho tất cả mạng lưới blockchain bằng việc xây dựng các hệ sinh thái quanh bao mạng lưới.
Thời gian sẽ kiểm chứng những ưu thế về tính phi tập trung của blockchain, và giá trị các tài sản số do công nghệ này tạo ra - như cách những giá trị phi tập trung của mạng lưới Internet đã được kiểm chứng và không thể chối bỏ.
Tính đến nay, bitcoin là mạng lưới blockchain lâu đời nhất với gần 13 năm hình thành và kiểm chứng. Giá cả của bitcoin cũng như bất kỳ tài sản số nào, cũng sẽ biến động tăng giảm theo thời gian. Nhưng giá trị của đồng tiền số đầu tiên xây dựng dựa trên mạng lưới blockchain là khó phủ nhận.